21 bài học cho thế kỷ 21 là cuốn sách đầu tiên của Yuval Noah Harari mà tôi biết đến qua lời giới thiệu của một người đồng nghiệp. Khi ấy, đại dịch Covid mới chớm xuất hiện và trong lòng chúng tôi đều có ít nhiều hoang mang. Để dằn lại cảm giác ấy, chúng tôi rủ nhau cùng đặt sách. Và cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21 này nằm trong danh sách đặt mua ngày đó.
Thú thực, khi sách về đến tay, tôi không đọc ngay mà cất luôn lên kệ và bỏ quên ở đó lâu lâu. Sau đó, không rõ vào thời điểm nào tôi đã lấy ra đọc, nhưng chắc chắn lúc ấy tôi lại hoang mang về vô vàn thứ trong cuộc đời chung và riêng này.
Giờ đây, khi biết thông tin cuốn sách mới với tựa đề NEXUS – Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo của Yuval Noah Harari sẽ xuất bản tại Việt Nam vào cuối tháng 9 này, tôi bắt đầu lục lại lại quyển 21 bài học cho thế kỷ 21, tập trung vào phần mà mình quan tâm hơn cả mang tên Giáo dục – Thay đổi là hằng số duy nhất. Nó nằm trong Phần V: Bền bỉ, đồng thời là phần cuối trong 21 bài học mà học giả nổi tiếng người Israel này đề cập đến.
5 phần chính trong cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21”
21 bài học cho thế kỷ 21 gồm 5 phần lớn như sau:
- “Phần I: Thách thức công nghệ” với các nội dung chính về sự “Vỡ mộng”, “Công việc”, “Tự do” và “Bình đẳng”
- “Phần II: Thách thức chính trị” với các nội dung chính về “Cộng đồng”, “Văn minh”, “Chủ nghĩa dân tộc”, “Tôn giáo” và “Nhập cư”
- “Phần III: Tuyệt vọng và hy vọng” với các nội dung chính về “Chủ nghĩa khủng bố”, “Chiến tranh”, “Khiêm nhường”, “Chúa” và “Chủ nghĩa thế tục”
- “Phần IV: Sự thật” với các nội dung chính về “Ngu dốt”, “Công lý”, “Hậu-sự thật” và “Khoa học viễn tưởng”
- “Phần V: Bền bỉ” với các nội dung chính về “Giáo dục”, “Ý nghĩa” và “Thiền”
“Giáo dục” chính là một trong các mục tôi muốn lưu lại cho bản thân nhất, với tư cách một người lao động đã không còn trẻ, một phụ huynh có con nhỏ và một người đang hoang mang: Mình nên làm gì trong thời đại công nghệ khó đoán định này?
Trích dẫn hay từ mục “Giáo dục – Thay đổi là hằng số duy nhất”
Người ta cần khả năng hiểu được thông tin, biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng, trên tất cả là khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới.
Nếu thế hệ này thiếu một quan điểm toàn diện về vũ trụ, tương lai sự sống sẽ được quyết định một cách bừa bãi.
Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ.
Bởi khi tốc độ thay đổi tăng lên, không chỉ nền kinh tế mà bản thân ý nghĩa của việc “làm người” cũng sẽ biến đổi.
“Tôi là ai?” sẽ là một câu hỏi bức thiết và phức tạp hơn bao giờ hết.
Vào thế kỷ 21, bạn gần như không thể trả nổi cái giá của sự ổn đinh, Nếu bạn cố giữ lấy một bản dạng, công việc hay thế giới quan cố định nào đó, bạn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong khi thế giới lướt qua đánh vèo.
Khi sự lạ lùng trở thành điều bình thường mới, các trải nghiệm quá khứ của bạn cũng như của cả nhân loại sẽ trở thành những chỉ dẫn ngày càng kém tin cậy.
Làm thế nào để sống trong một thế giới mà sự khôn lường sâu sắc không phải là một lỗi mà là một đặc trưng?
Để tồn tại và phát triển trong một thế giới như thế, bạn sẽ cần hết sức linh hoạt về tinh thần và có những nguồn dự trữ cân bằng cảm xúc lớn. Bạn sẽ phải liên tục từ bỏ một số điều bạn biết rõ nhất và học làm quen với những điều chưa biết.
Bạn không thể học được sự kiên cường bằng cách đọc một quyển sách hay nghe một bài giảng.
Đừng dựa quá nhiều vào người lớn. Hầu hết họ có ý tốt, nhưng họ đơn giản là không hiểu thế giới. Trong quá khứ, nghe theo người lớn là một lựa chọn tương đối an toàn vì họ biết về thế giới khá rõ và thế giới thay đổi chậm chạp. Nhưng thế kỷ 21 sẽ khác. Tốc độ thay đổi ngày càng tăng nên bạn không bao giờ dám chắc liệu những gì người lớn đang nói với mình là những lời khôn ngoan muôn thuở hay chỉ là các thiên kiến đã lỗi thời.
Thay vào đó, bạn có thể dựa vào cái gì đây? Có lẽ vào công nghệ? Canh bạc đó thậm chí còn rủi ro hơn. Công nghệ có thể giúp bạn rất nhiều, nhưng nếu công nghệ chiếm được quá nhiều quyền lực đói với cuộc đời bạn, bạn có thể trở thành con tin cho lịch trình của nó.
Công nghệ không xấu. Nếu bạn biết mình muốn gì ở đời, công nghệ có thể giúp bạn có được nó. Nhưng nếu bạn không biết mình muốn gì trong đời, công nghệ sẽ rất dễ dàng định hình các mục tiêu của bạn giúp cho bạn và kiểm soát cuộc đời bạn. Đặc biệt là khi công nghệ ngày càng giỏi thấu hiểu con người, bạn có thể thấy mình ngày càng phục vụ cho nó, thay vì nó phục vụ cho bạn. Bạn đã thấy những cái xác sống lượn lờ trên phố trong khi dán mặt vào màn hình chưa? Bạn nghĩ họ kiểm soát công nghệ hay công nghệ kiểm soát họ?
Vậy bạn nên dựa vào chính mình à? Điều đó nghe thì có vẻ hay trên loạt chương trình Sesame Street hoặc trong một bộ phim Disney kiểu cũ; nhưng trong đời thực thì nó không hiệu quả đâu.
Hầu hết chúng ta không hiểu được chính mình; và khi cố ‘lắng nghe bản thân’, ta dễ dàng thành con mồi cho các thao túng từ bên ngoài.
Khi công nghệ sinh học và học máy cải tiến, việc thao túng các cảm xúc và khao khát sâu kín nhất của con người sẽ ngày càng dễ dàng và cứ đi theo trái tim sẽ càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Để thành công với một nhiệm vụ khó khăn như thế, bạn sẽ cần bỏ công tìm hiểu cơ chế hoạt động của mình rõ hơn. Để hiểu mình là gì và mình muốn gì từ cuộc đời. Điều này, hiển nhiên, chính là lời khuyên cổ xưa nhất trong sách vở: biết mình.
Bạn có lẽ đã nghe nói rằng, chúng ta đang sống trong thời đại giải mã máy tính, nhưng đấy thậm chí không phải là một nửa sự thật. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại mở khóa con người.
Tuy nhiên, nếu muốn giữ lại phần nào quyền kiểm soát sự tồn tại cá nhân và tương lai của cuộc sống, bạn sẽ phải chạy nhanh hơn thuật toán, nhanh hơn Amazon và chính phủ, và tự biết mình trước khi chúng làm được điều đó. Để chạy nhanh, đừng mang theo nhiều hành lý. Hãy để tất cả ảo tưởng của bạn lại phía sau. Chúng nặng lắm đấy.