Chiến binh cầu vồng: Giáo dục tạo nên niềm hy vọng

bởi Hạt Muối Nhỏ
Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata

Đọc sách đôi khi học hỏi được, đôi khi cảm nhận được, đôi khi là niềm vui, đôi khi là ngậm ngùi. Và hôm qua mình đã ngậm ngùi khi đọc chương kết của Chiến binh cầu vồng của nhà văn người Indonesia Andrea Hirata.

Chiến binh cầu vồng là những đứa trẻ đủ nguồn gốc từ Indo, Mã Lai, đến Phúc Kiến… sinh sống trên một hòn đảo Indo bị lãng quên bởi chính quyền nhưng được nhớ bởi tài phiệt đào thiếc. Chúng có điểm chung là xuất thân từ những gia đình nghèo cùng quẫn không ai thèm để mắt đến, cùng đi học trong một ngôi trường nghèo đến xiêu vẹo như tháp Pisa.

Trong hoàn cảnh như thế, đi học đối với bọn trẻ trở thành ước mơ, thành động lực, niềm hy vọng đổi đời. Nhưng với bố mẹ chúng, học lại không làm ra tiền, thà đi làm cu li còn có thể nuôi sống bản thân nuôi sống gia đình, anh em họ hàng. Và tất nhiên bố mẹ của chúng đa số mù chữ vì mải đi làm cu li cùng với một tinh thần trách nhiệm to lớn.

Giá như lũ trẻ sinh muộn hơn và sống ở Việt Nam, bố mẹ chúng chắc hẳn sẽ có tấm gương to đẹp từ cô hoa hậu H’Hen Niê “tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”.

Mình có một sự liên tưởng gần gũi với nền giao dục cho dân tộc miền núi ở Việt Nam khi chặng đường đi học của lũ trẻ vất vả không kém. Mỗi đứa trẻ một số phận, để đến được trường có đứa phải vượt qua hàng chục cây số, phải qua sông suối, qua đầm lầy, qua mưa giông bão táp, chỉ khi những con cá sấu chặn ngang đường mới làm chúng tạm dừng chân.

Lũ trẻ vững vàng như vậy cũng nhờ điểm dựa từ 2 thầy cô “có tâm”, giàu tình yêu và hết lòng vì sự nghiệp giao dục. Tinh thần của người trung thực, niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống, không lùi bước trước nghịch cảnh mà thầy cô truyền đạt xuyên suốt toàn bộ cuốn sách đã giúp các chiến binh lần lượt chiến thắng cái nghèo tột độ để vừa làm vừa đến trường, chiến thắng những âm mưu phá hoại, chiến thắng những cuộc chiến bị nhận định thua ngày từ lúc bắt đầu.

Đáng tiếc thay cầu vồng không xuất hiện sau cơn mưa. Chúng đã chiến thắng mọi khó khăn từ bên ngoài, nhưng lại thua chính số phận của mình. Giáo dục cuối cùng đã không xua tan được đói nghèo thường trực. Niềm an ủi duy nhất là giáo dục đã tạo nên hy vọng, các chiến binh đã từng sống hết mình với hy vọng đó.

Tác giả sách Andrea Hitara kể lại qua lăng kính của người chứng kiến và sẵn sàng lồng ghép các cảm nhận nên đôi lúc mình thấy tư duy của lũ trẻ sâu sắc và lớn hơn rất nhiều. Cách viết thực tế của người trong cuộc đan xen sự hài hước đã khiến cho mọi khó khăn vơi đi, khiến nhiều lúc mình không còn cảm nhận được chút gánh nặng cơm áo mà chỉ hiển hiện một tuổi thơ đầy đam mê và dữ dội của các chiến binh.

(Ảnh bìa: Steve Johnson, bài viết: Trương Thanh Thảo)

Để lại một bình luận

Có thể bạn cũng thích

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00