Khám phá QUÁ KHỨ với “Thiên văn hấp dẫn”

bởi Hạt Muối Nhỏ
Thiên văn hấp dẫn - Cool series

Thiên văn hấp dẫn của tác giả Malcolm Croft là cuốn sách thường thức nằm trong Cool series dành cho ai muốn khám phá vô vàn “điều bay bổng về vũ trụ” của chúng ta. Bạn sẽ tham gia một cuộc du hành bằng tốc độ ánh sáng qua không gian và thời gian. Sân ga hay đường ray của chuyến hành trình là những trang sách hay chính tâm trí bạn, có lẽ thật mơ hồ.

Bầu trời của Quá khứ…

Trong nghệ thuật nói chung, hình ảnh ai đó nhìn lên bầu trời cao rộng thường bao hàm tính ước lệ về tương lai…

Tuy vậy, nhà thiên văn học sẽ bảo với bạn rằng, ngước nhìn không gian thăm thẳm trên cao kia thực ra là một cách để bạn quan sát lại quá khứ…

Bởi lẽ, ánh sáng mà bạn thấy vốn dĩ đã du hành qua khoảng cách lớn và qua thời gian để đến mắt bạn.

Có một “sự thật lấp lánh” là, “ánh sáng mất 1,255 giây để đi từ Trái đất đến Mặt trăng, và xấp xỉ 8 phút 20 giây để đi từ Mặt trời đến Trái đất”. Do đó, khi bạn ngước lên Mặt trời, thật ra bạn đang nhìn thấy Mặt trời…của 8 phút và 20 giây trước.

Bạn có biết Cận Tinh? Đó là ngôi sao ngoài Hệ Mặt trời gần Trái đất nhất! Thế nhưng, khi quan sát nó qua kính thiên văn, bạn sẽ không thấy Cận Tinh của hiện tại, mà chỉ là Cận Tinh của 4,3 năm trước.

Bầu trời trước mắt chúng ta là hàng triệu, hàng tỷ câu chuyện “lấp lánh” về quá khứ. Nào, các bạn có muốn nhìn về quá khứ một chút không?

Thiên văn hấp dẫn - Bầu trời quá khứ
(Ảnh: Cristofer Maximilian)

Khám phá “50 điều bay bổng về vũ trụ” với “Thiên văn hấp dẫn”

Thiên văn hấp dẫn của tác giả Malcolm Croft là cuốn sách nằm trong Cool series dành cho ai muốn khám phá vô vàn “điều bay bổng về vũ trụ” của chúng ta. Bạn sẽ tham gia một cuộc du hành bằng tốc độ ánh sáng qua không gian và thời gian. Sân ga hay đường ray của chuyến hành trình là những trang sách hay chính tâm trí bạn, có lẽ thật mơ hồ.

Với cuốn Thiên văn hấp dẫn, chúng ta được hướng dẫn cách để quan sát bầu trời, tìm hiểu về kính thiên văn hay những thành tựu về thiên văn mà loài người đã đạt được. Đối với riêng tôi, phần hấp dẫn nhất trong quyển sách này chính là những “sự thật lấp lánh” về bầu trời trên kia. Đó là Big Bang, dải ngân hà với với hàng trăm tỷ hay hàng nghìn tỷ ngôi sao, vùng sự sống Goldilocks, pháo hoa trong vũ trụ hay còn gọi là những cơn mưa sao băng…

Khi đọc Thiên văn hấp dẫn, có thể bạn thấy mình lọt thỏm giữa những không gian xa xôi, bí ẩn và choáng ngợp. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được hết và hiểu được hết về vũ trụ. Nhưng như tinh thần của cuốn sách muốn truyền tải, không phải vì thế mà chúng ta nên ngừng tìm hiểu. Vũ trụ dù bao la tới chừng nào thì vũ trụ cũng ở trong chính chúng ta. Khám phá về vũ trụ, đôi khi cũng là khám phá về bản thân mình. Bởi lẽ, tất cả đều được cấu tạo từ các “nguyên tử”, trong phản ứng hóa học chúng là những hạt cơ bản không thể phân chia.

“Cuốn tiểu thuyết trinh thám vĩ đại bị xé trang cuối”

Đó là một câu trong lời đề tựa của cuốn sách Thiên văn hấp dẫn. Vũ trụ là như thế, kể cả khi tất cả chúng ta biết khởi nguồn của nó từ “Big Bang”, nhưng sẽ chẳng ai hay được tới điểm tận cùng, cả không gian lẫn thời gian đó.

Tôi nghĩ về cuộc đời của mình, dù bé nhỏ hơn một hạt bụi dạt trôi trong vũ trụ mênh mang này, dù chẳng phải một “cuốn tiểu thuyết trinh thám vĩ đại”, thì trang cuối cùng ấy vẫn là bí ẩn. Đôi khi tôi tò mò, nhiều lúc tôi tránh nghĩ đến và lắm khi tôi bình thản suy xét. Nhưng dù thế nào thì cũng để làm gì, để làm gì cơ chứ?

Có những khoảnh khắc, tôi biết rõ mình chạm tay vào nỗi cô độc mông lung của bản thân. Nhưng chúng có đáng giá không, và có tầm phào không? Tôi cũng chẳng hay nữa, giữa vũ trụ hữu hình mà lại vô hình này. Dù có câu nói rằng “So với sự mênh mông của vũ trụ, thì nỗi buồn của hạt cát có ra chi”. Thế nhưng, tôi biết làm sao được, khi tôi ở trong vũ trụ, mà dường như vũ trụ cũng có ở trong tôi…

Để lại một bình luận

Có thể bạn cũng thích

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00