Mục lục
“Nhất kỳ nhất hội” (一期一会 – cách đọc theo âm tiếng Nhật “Ichigo Ichie”) là câu thành ngữ nổi tiếng của người Nhật. Nó được coi là một triết lý hay một phương châm sống giúp mỗi người biết trân trọng từng phút giây quý báu của hiện tại.
Ý nghĩa của “Nhất kỳ nhất hội”
“Nhất kỳ” là từ có nguồn gốc từ Phật Giáo, nó mang ý nghĩa một cuộc đời – quãng thời gian từ lúc ta sinh ra cho đến khi chết đi. Từ này còn hàm nghĩa về điều chỉ có một lần trong đời. “Nhất hội” mang ý nghĩa là một cuộc gặp gỡ. Nó nghiêng về sắc thái cuộc gặp gỡ duy nhất, không có lần thứ hai nào như thế nữa.
Vì vậy, có thể hiểu thành ngữ “Nhất kỳ nhất hội” là “Cuộc gặp gỡ chỉ có một lần trong đời.” Nói rộng ra, thành ngữ này là lời nhắc nhở về mỗi phút giây trong cuộc sống đều đặc biệt. Một thời khắc sẽ trôi qua và vĩnh viễn biến mất, bạn không thể trải qua thời khắc thứ hai tương tự như thế trong đời.
Nguồn gốc của thành ngữ “Nhất kỳ nhất hội”
“Nhất kỳ nhất hội” là thành ngữ xuất phát từ Trà Đạo – một nét văn hóa lâu đời của Nhật Bản. Trà sư Sen No Rikyū (1522 – 1591) được coi là người khơi nguồn cho triết lý này. Tinh thần “Nhất kỳ nhất hội” nhắc nhở cả chủ và khách cần trân trọng nhau trong mỗi buổi thưởng trà với tâm thế đây là cơ hội gặp gỡ chỉ có một lần trong đời. Dù rằng trước đó và sau này còn nhiều buổi thưởng trà khác, nhưng các khoảnh khắc đều không hề giống nhau, đã trôi qua rồi thì không bao giờ trở lại nữa.
Trên tinh thần đó, mỗi cuộc gặp gỡ với người khác, với sự vật hay sự việc nào đó trong cuộc sống đều thực sự đặc biệt. Có thể gọi đấy là duyên kỳ ngộ, là những cơ hội chỉ có một lần trong đời. Nó gần giống như câu nói bạn vẫn thường được nghe rằng: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” Xét cho cùng, cuộc sống là chuỗi các sự kiện không bao giờ lặp lại. Kể cả vào bữa tối, bạn ăn cùng một món, với cùng một người, và tại cùng một địa điểm, chúng vẫn hoàn toàn khác nhau!
“Nhất kỳ nhất hội” là một triết lý để sống hạnh phúc
Bạn đã từng xem các bộ phim hoạt hình “Vùng đất linh hồn” hay “Hàng xóm của tôi là Totoro” chưa? Chúng có thể coi là những tác phẩm hoạt hình kinh điển của Nhật Bản. Người đàn ông đứng sau các kiệt tác mê hoặc không chỉ trẻ em mà cả người lớn này là Miyazaki Hayao. Trong cuốn “Ikigai – Bí mật sống trường thọ và hạnh phúc của người Nhật” của tác giả Ken Mogi có đề cập tới một câu chuyện rất ấn tượng liên quan đến Miyazaki và triết lý “Nhất kỳ nhất hội”.
Trước đây, có một em bé tới thăm xưởng phim hoạt hình Ghibli nơi Miyazaki làm việc. Lúc đưa đứa trẻ này ra trạm xe buýt trên chiếc xe mui trần của mình, ông từng nghĩ rằng, hẳn em bé này sẽ rất thích thú khi mui xe được mở. Nhưng vì bắt đầu lất phất mưa, Miyazaki lái xe đến trạm xe buýt mà không mở mui xe nữa. Ông tự nhủ sẽ chờ tới lần tiếp theo.
Ít lâu sau đó, Miyazaki cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Ông nhận ra rằng khoảnh khắc quý giá trước đó đã vụt mất mãi mãi. Bởi lần tới, dù đứa bé kia có quay trở lại và đi cùng ông trên chiếc xe đã mở mui, thì cảm xúc của trải nghiệm cũng không như trước nữa. Có lẽ, sự nhạy cảm về “tính duy nhất” của cuộc sống này đã giúp cho Miyazaki sáng tạo ra các tác phẩm vĩ đại thấm đẫm tính nhân văn như “Vùng đất linh hồn” hay “Hàng xóm của tôi là Totoro”.
Sự tương đồng của triết lý “Nhất kỳ nhất hội” với chủ nghĩa khắc kỷ và Phật Giáo
Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại, nó giúp mỗi người rèn luyện sự bình tâm khi đối diện với những mất mát hay các nỗi đau trong cuộc sống. Một trong các kỹ thuật tâm lý để thực hành chủ nghĩa khắc kỷ là “Tưởng tượng tiêu cực”. Kỹ thuật này hướng con người dành thời gian để suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ bớt khổ đau hơn nếu chúng thực sự diễn ra trong cuộc sống. Dựa trên quan điểm rằng, mọi thứ trên thế gian này đều sẽ có ngày tàn lụi, suy ngẫm trước về những điều tiêu cực tiềm ẩn sẽ giúp con người có được cái nhìn tích cực hơn đối với hiện tại cùng sự may mắn mà mình đang có.
Có chút trái ngược nhau khi “Nhất kỳ nhất hội” nghiêng về khơi gợi tưởng tượng tích cực, nghĩa là nhắc nhở về điều tốt đẹp và hạnh phúc mà ta hiện sở hữu. Kỹ thuật “Tưởng tượng tiêu cực” của chủ nghĩa khắc kỷ hướng con người dành thời gian suy nghĩ về những mất mát có thể xảy ra. Dù vậy, đây là sự đối lập trong một bản thể thống nhất bởi chúng đều nhấn mạnh về thái độ và trạng thái tâm trí nên có của mỗi người đối với cuộc sống hiện tại. Ở mặt này, cả triết lý “Nhất kỳ nhất hội” và chủ nghĩa khắc kỷ đều gợi nhớ đến quan điểm về tính vô thường của Phật Giáo
Triết lý “Nhất kỳ nhất hội” cũng mang dáng dấp của tinh thần “Chánh niệm” trong Phật giáo. Chánh niệm là biết rõ những gì đang hiện hữu, những gì đang xảy ra ở hiện tại. Trong cuốn “Hạnh phúc mộng và thực”, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nhắc về lời dạy của Đức Phật đối với A Nan: Hãy nhìn và sống với những thứ màu nhiệm đang xảy ra trong phút giây hiện tại.
Trong thế giới đầy biến động này, quá khứ – đặc biệt là những thất bại và tổn thương thường khiến ta ám ảnh, tương lai – với những mịt mờ và nhiễu loạn của nó hay làm ta hoang mang. Nên chăng hãy thử lắng nghe lời khuyên của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chỉ cần ta cắm rễ được trong phút giây hiện tại, lấy tất cả những điều kiện trong giây phút hiện tại làm nền tảng cho sự sống, cho niềm vui của ta. Và như vậy, sống ở đâu ta cũng sẽ có được hạnh phúc. “Nhất kỳ nhất hội” hẳn là một nhãn quan sáng suốt cho tâm hồn mỗi chúng ta.
(Ảnh: Sean Stratton)