Mục lục
Quy luật của tấm gương được viết bởi của tác giả Yoshinori Noguchi, là cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ có mong muốn kết nối với con cái. Như nhân vật Eiko được đề cập đến ở phần đầu cuốn sách, cô biết con trai Yuuta bị bạn bè xa lánh, cô muốn cậu bé chia sẻ với mình và giúp con giải quyết vấn đề này nhưng Yuuta cự tuyệt. Điều này làm Eiko – với cương vị là một người mẹ cảm thấy đau khổ và bất lực. Tổn thương biết bao khi chính con cái lại không chịu mở lòng với mình!
Qua lời giới thiệu từ chồng, Eiko tìm đến sự tư vấn của Yaguchi – một người rất am hiểu về tâm lý học. Yaguchi đã giúp Eiko lần gỡ các vướng mắc của cô bằng một liệu pháp dựa trên: Quy luật của tấm gương.
QUY LUẬT CỦA TẤM GƯƠNG LÀ GÌ?
Quy luật này có thể hiểu khái quát rằng: “Hiện thực của cuộc đời chúng ta là tấm gương phản chiếu tâm hồn chúng ta”. Nếu ta chỉ ôm ấp bất mãn trong lòng thì cuộc đời của ta sẽ toàn những điều bất mãn. Nếu ta hân hoan với hạnh phúc của người khác thì hạnh phúc sẽ xảy đến với bản thân ta… Điều này khá tương đồng với quan điểm về Nhân – Quả trong Phật giáo. Các sự kiện xảy ra trong cuộc đời ta hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, chúng phần nào phản ánh sự đồng điệu với những gì trong tâm hồn ta.
Ai rồi cũng có lúc gặp phải các vướng mắc hay khó khăn trong cuộc đời mình. Đó thực ra là cơ hội để ta quan sát lại tâm hồn của bản thân. Từ việc nhìn vào những gì xảy ra trong tâm hồn mình, ta có thể tìm được gợi ý cho câu trả lời đối với vấn đề đang gặp phải.
Ví dụ trong trường hợp của Eiko, chính sâu thẳm trong lòng cô cũng đang gặp vướng mắc và khó khăn trong việc giao tiếp và thấu hiểu cha mình. Thậm chí, suy nghĩ bấy lâu trong cô ngập tràn những xúc cảm tiêu cực và oán giận cha. Chúng phần nào phản ánh lên chính cuộc đời Eiko, cụ thể ở đây là sự xa cách giữa cô và con trai mình.
HÀN GẮN VẾT RẠN TÂM HỒN TỪ QUY LUẬT CỦA TẤM GƯƠNG
Nhìn lại tâm hồn mình
Theo như tác giả Yoshinori Noguchi đề cập đến trong cuốn sách, mỗi vấn đề khó khăn tìm đến ta trong cuộc đời này đều là sứ giả mang đến một thông điệp: “chúng ta cần phải nhìn lại tâm hồn mình”. Có một thực tế rằng, về rất nhiều vấn đề, nếu ta chỉ nhìn nhận lại bản thân mà không có các tác động từ bên ngoài thì cũng khó mà giải quyết được. Nhưng dù sao thì, ta có quyền chủ động đối với hành vi của chính mình, còn đối với người khác thì không.
Với Eiko, cô bắt đầu giải quyết vấn đề của bản thân bằng cách đối diện trực diện với tất cả các suy nghĩ chân thực nhất, sâu thẳm nhất đối với cha mình. Ở đây, Eiko giải phóng toàn bộ các xúc cảm căm ghét cha bấy lâu lên giấy. Tiếp đó, cô cũng ghi lại những điều biết ơn cha cũng như những điều cần xin lỗi ông.
Ở đây, Yaguchi – nhà tâm lý học đã tư vấn cho Eiko thực hành giải phóng hết những suy nghĩ tiêu cực chất chồng bao năm nay về cha của cô. Đây là một phần hành trình Eiko đi tìm nguyên nhân thực sự của các vấn đề mình đang gặp phải trong chính tâm hồn của cô.
Lựa chọn “tha thứ”
“Tha thứ” ở đây là buông bỏ những chỉ trích đối phương vẫn hằng ôm trong lòng suốt từ quá khứ, giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc của chúng. “Tha thứ” nghĩa là chọn lấy các cảm xúc an lành ở hiện tại. Sau khi giải phóng tất cả những suy nghĩ oán giận lẫn biết ơn cha lên giấy, Eiko đã gọi điện xin lỗi ông – dù thực ra trong lòng cô không hẳn muốn thốt lên hai từ này. Eiko phần nào đó ép bản thân “tha thứ” cho cha, đồng thời cũng chính là cô “tha thứ” cho chính mình.
Một sự thay đổi không ngờ đã diễn ra, Eiko cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn, như trút bỏ được gánh nặng tích tụ bấy lâu nay trong tâm hồn. Cha cô – một người đàn ông từng trải và chai sạn khóc vì xúc động trước cuộc điện thoại bất ngờ từ con gái. Bắt đầu từ mối quan hệ với cha, Eiko tự hàn gắn lại những suy nghĩ rạn nứt nơi lòng mình đối với cả chồng. Cuộc sống của cô thay đổi một cách âm thầm theo chiều hướng tích cực. Cậu con trai Yuuta vốn trước đây né tránh chia sẻ với mẹ, nay đã chủ động mở lòng.
THÔNG ĐIỆP VỀ LÒNG TIN ĐỐI VỚI CON CÁI
Ngoài Quy luật của tấm gương, tác giả Yoshinori Noguchi cũng đề cập tới một quy luật quan trọng khác: “Quy luật tất yếu”. Nó có nghĩa là “trong đời người dù có xảy ra vấn đề nào đi chăng nữa, thì nó cũng nhằm giúp ta nhận ra được một điều gì đó quan trọng.” Nghĩa là không điều gì tự nhiên đến với cuộc sống của chúng ta, nó chính là một sự tất yếu.
Câu chuyện giữa Eiko và cha của cô, giữa Eiko và con trai của cô, suy cho cùng đó là vấn đề về sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái. Eiko từng muốn cha đặt niềm tin vào mình, rằng cô sẽ giải quyết ổn mọi chuyện của bản thân. Và Yuuta cũng thế, cậu bé muốn Eiko tin tưởng mình sẽ dàn xếp ổn thỏa các mối quan hệ với bạn bè.
Chúng ta – với vai trò là cha mẹ, sự bảo hộ quá mức cũng đồng nghĩa với việc thiếu niềm tin vào con. Cha mẹ bảo hộ quá mức sẽ làm cản trở quá trình lớn lên của cái tôi lành mạnh trong trẻ. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nên có một đường biên để con có cơ hội tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm trước các vấn đề của mình. Đây cũng là cơ hội giúp con trưởng thành và tự lập về mặt tâm lý.
THÔNG TIN THÊM VỀ CUỐN SÁCH
Quy luật của tấm gương được viết bởi Yoshinori Noguchi – một chuyên gia tư vấn nổi tiếng về hạnh phúc cá nhân và các mối quan hệ gia đình. Phần đầu của cuốn sách dựa trên câu chuyện có thực, nhân vật đã được đổi họ tên và nghề nghiệp để đảm bảo sự riêng tư. Trong phần sau, tác giả đưa ra những lời khuyên chân thành và phân tích thấu đáo về phương pháp nuôi dạy con của các bậc cha mẹ bảo hộ và kiểm soát con quá mức.
Đây là một cuốn sách nên đọc nếu bạn đang hoang mang vì con cái từ chối chia sẻ những vấn đề của bản thân chúng. Xin được kết lại bài viết bằng đôi dòng trích dẫn từ cuốn sách:
Cho dù có vấn đề gì xảy ra trong cuộc đời đi chăng nữa, thì nó cũng nhằm giúp ta nhận ra một điều gì đó quan trọng. Vì thế, những vấn đề mà ta không thể giải quyết chắc chắn không bao giờ xảy ra… Thông qua việc giải quyết đó, ta có thể xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc.
Rất nhiều bài học, trong một cuốn sách nhỏ mà chúng ta có thể nhận ra phải không cha mẹ?