Mục lục
Trong cái KHÔNG có gì không? là một cuốn sách dành cho trẻ em của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách tập hợp những câu trả lời về cuộc sống, gia đình hay bạn bè… từ Thiền sư đối với các thắc mắc của các em nhỏ.
Đó có thể là những câu hỏi về các sự vật hữu hình, hoặc cũng có thể là những câu hỏi về các điều vô hình khó nắm bắt. Đó có thể là những câu hỏi phức tạp, hoặc cũng có thể là những câu hỏi ngộ nghĩnh nhưng đáng yêu…
Các câu hỏi thú vị từ trẻ em
Là người làm cha mẹ, chắc hẳn không ít lần bạn đối diện với những câu hỏi thật khó trả lời từ con cái. Thật kỳ lạ, các con thường nghĩ ra nhiều câu hỏi mà người lớn chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới, hoặc chúng ta từng đặt câu hỏi đó khi còn nhỏ nhưng giờ đã lãng quên rồi.
Có những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại thật khó để trả lời… Trẻ em nhìn nhận và khám phá cuộc sống qua những giác quan ngập tràn sự tò mò và ngây thơ của mình. Từ đó, các thắc mắc về tự nhiên và xã hội được khơi gợi lên từ những góc nhìn đặc biệt thuần khiết.
Ở cuốn sách Trong cái KHÔNG có gì không?, các câu hỏi của trẻ trải dài qua nhiều khía cạnh. Đó có thể là thắc mắc về hiện tượng tự nhiên như “Tại sao mặt trời lại nóng?”, hay suy ngẫm về vấn đề vĩ mô của xã hội như “Tại sao con người lại gây ra chiến tranh?”… cho tới xúc cảm đầy suy tư “Tại sao có đôi khi con cảm thấy cô đơn và không ai thương con cả?”… Chúng không hẳn chỉ là các câu hỏi của con trẻ, chính người lớn chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều thắc mắc của riêng mình ở trong cuốn sách này.
Những câu trả lời minh triết và gần gũi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trân trọng những “câu hỏi xuất phát từ trái tim” của các em nhỏ, vậy nên ông đã “cố gắng trả lời bằng những gì hay nhất của mình”. Bởi Thiền sư tin rằng, điều xuất phát từ trái tim sẽ giúp ích cho rất nhiều người. Mỗi câu trả lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn gần gũi và đơn giản để các em dẫu nhỏ tuổi vẫn có thể thấu hiểu.
Tất cả những câu trả lời trong cuốn Trong cái KHÔNG có gì không? đều xuất phát từ điểm cốt lõi là lòng biết ơn cuộc sống, từ tình yêu thương nhân loại và vạn vật, sự trân trọng từng khoảnh khắc mầu nhiệm của hiện tại. Không chỉ các em nhỏ, người lớn khi đọc cuốn sách này cũng có thể rút ra cho mình nhiều điều chiêm nghiệm, dù câu trả lời của chúng ta khác ít hay nhiều so với Thiền sư.
Trong cái KHÔNG có gì không? có thể coi là một cuốn sách triết học dành cho trẻ em. Nội dung cuốn sách thấm đượm tinh thần Thiền định và hơi thở Phật giáo. Tuy vậy, vì đối tượng là trẻ em nên các câu trả lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn được khơi gợi từ những sự vật hay sự việc gần gũi dễ liên tưởng. Ví dụ như, đối với câu hỏi: “Tại sao Mặt Trời lại nóng?”, không lý giải tới những logic về mặt khoa học, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn dắt độc giả nhí tới ý nghĩa về vai trò của từng cá thể trong vũ trụ.
Trẻ em và Thiền định
Yuval Noah Harari – tác giả của cuốn sách nổi tiếng 21 bài học cho thế kỷ 21 đã xếp Thiền định vào chương cuối. “Thiền định” – trong cái nhìn của giáo sư Harari là liệu pháp tinh thần để ông “có thể vui vẻ thức dậy mỗi sáng.”
Ngày nay, Thiền định dần trở thành một liệu pháp hiệu quả giúp con người gỡ bỏ các khúc mắc của bản thân khỏi những nỗi hoang mang về thế giới đầy bất định. Trẻ em tiếp cận với Thiền để rèn luyện một đời sống tinh thần lành mạnh, có cái nhìn tích cực, lạc quan và yêu thương đối với cuộc sống. Cuốn sách Trong cái KHÔNG có gì không? giúp ươm những hạt giống đầu tiên đó trong thế giới nội tâm của trẻ.
Thiền như một chú chim – Meditation Like A Bird cũng là một cuốn sách dễ thương để trẻ tìm hiểu về Thiền nữa đấy!
Thông tin thêm về “Trong cái KHÔNG có gì không?”
– Cuốn sách được xuất bản ban đầu bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ. Hiện tại, nó đã được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác. Bản tiếng Việt do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, được chuyển ngữ bởi các sư cô Làng Mai.
– Cuốn sách có khổ 25×25 cm, được trình bày theo kiểu artbook với minh họa bởi họa sĩ Vũ Xuân Hoàn – một trong những họa sĩ minh họa tác phẩm thiếu nhi hàng đầu hiện nay. Các bức vẽ trong cuốn sách được vẽ bằng màu nước, thể hiện những chiêm nghiệm riêng của họa sĩ theo từng câu trả lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.