Lang Lang và hành trình ngàn dặm là cuốn hồi ký của Lang Lang, người được mệnh danh là thiên tài piano người Trung Quốc. Tạp chí Times từng bình chọn anh vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Điều đầu tiên cần khẳng định rằng, bài viết này không nhằm mục đích review sách. Ở đây, Hạt Muối Nhỏ chỉ muốn ghi lại vài cảm nhận cá nhân về người cha khắc nghiệt nhất, quyết tâm nhất đồng thời có niềm tin tuyệt đối nhất vào con trai mình. “Nhất” ở đây, trong cảm nhận chủ quan của tôi, là nhất ở tầm thế giới. Hoàn toàn không phải ở mức xã phường, quận huyện hay quốc gia. Ông là Lang Quốc Nhiệm – cha của thiên tài piano Lang Lang.
Nếu bạn thắc mắc Lang Lang là ai, thì chàng trai sinh năm 1982 này từng được truyền thông nước Mỹ gọi là “Tấm danh thiếp của Trung Hoa”, là một trong những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nhất thế giới.
Quay trở lại với cha của Lang Lang – người đàn ông mang cái tên dường như thể hiện phần nào sứ mệnh mà ông tự đặt lên vai mình với trách nhiệm cao nhất. “Quốc Nhiệm” – trong đó “quốc” là đất nước, “nhiệm” là nhiệm vụ. Hẳn là nhiệm vụ quốc gia, trong khi người cha này là một cảnh sát đã chủ động rời ngành để đồng hành cùng đứa con trai thần đồng trên chặng đường âm nhạc xa “ngàn dặm”. Theo suy ngẫm cá nhân của mình, tôi cho rằng “đất nước” đối với ông Lang Quốc Nhiệm chính là cậu con trai Lang Lang. Điều này hầu như cũng đúng với mọi bậc cha mẹ khác.
Nhiều ông bố bà mẹ thường hay nói, họ chẳng mong con mình thành công, chỉ cần nó lên hạnh phúc và trở thành người tử tế. Vế sau thì chả dám chắc, nhưng vế đầu – nghĩa là con thành công cũng được, nếu không vậy cũng chẳng sao, chắc chắn không bao giờ phát ra từ miệng ông bố của Lang Lang.
Bạn có lẽ từng nghe nhiều lần câu nói “để con phát triển tự nhiên”, hoặc chính bản thân mình từng khẳng định như vậy. Trong một diễn biến ở chiều ngược lại, hẳn ông bố của Lang Lang đã giáo dục nuôi dưỡng con trai mình theo cái cách hết sức “phản giáo dục” và “phi tự nhiên”. Vậy ông Lang Quốc Nhiệm đã làm gì?
Người cha này không ít lần cứng rắn phủ nhận sự quan trọng của hơi ấm từ tình mẹ so với việc tập đàn của Lang Lang. Kể cả khi gia đình ba người chỉ đang trên một chuyến tàu về quê, ông vẫn bắt cậu bé ôn luyện tiếng Anh để chuẩn bị ra nước ngoài học đàn, thay vì ngồi trò chuyện với người mẹ cách xa lâu ngày. Có nhiều mẩu chuyện từa tựa như thế từng diễn ra trong thời thơ ấu của Lang Lang. Sự mong nhớ giữa hai mẹ con bị bóp vỡ vụn bởi khát khao Lang Lang phải trở thành Số Một của cha anh.
Người cha này điên cuồng bắt Lang Lang hoặc uống thuốc liều cao hoặc nhảy lầu tự tử sau khi cậu bé bị một giáo sư từ chối dạy đàn tiếp. Đây là sự kiện gây tổn thương sâu sắc đối với tâm hồn Lang Lang cho đến tận lúc anh trưởng thành. Cậu bé ngày đó vùng lên phản kháng sự khắc nghiệt của cha theo một cách gây tổn thương không kém: Tự đấm tay mình vào tường đến rướm máu và quyết không tập đàn nữa.
Cây đàn dương cầm bị để phủ bụi, đối với một người cha đặt cược tất thảy mọi thứ vào tài năng của con trai như ông Lang Quốc Nhiệm, đó là sự trả đũa đau đớn nhất. Còn Lang Lang vốn coi cây đàn như người bạn thân thiết nhất, cậu bé có đau đớn không? Đó hẳn là điều dĩ nhiên rồi!

Cái giá mà Lang Lang phải trả cho sự nghiệp rực rỡ sau này là sự chia ly của gia đình. Khi học tiểu học, anh theo cha lên Bắc Kinh để có thể theo học những người thầy giỏi nhất. Mẹ anh ở lại quê một mình, làm việc kiếm tiền gửi lên chu cấp cho hai cha con.
Đứa trẻ Lang Lang luôn đau đáu nhớ nhung người mẹ mà cậu phải sống cách xa trong hầu hết thời thơ ấu. Khác với tình yêu vừa ấm áp vừa dịu dàng của một đứa con trai dành cho mẹ, cảm xúc Lang Lang đối với cha lại vô cùng phức tạp. Nó là một phổ cảm xúc rộng, từ oán giận đến yêu thương. Mẹ là người sẵn lòng mua một con robot biến hình an ủi tâm hồn của Lang Lang. Còn cha là người sẵn lòng ném toẹt con robot đó ra cửa sổ để anh không chểnh mảng việc tập đàn.
Nhiều bậc cha mẹ, dù nói ra hay không, thường ít nhiều mang kỳ vọng dành cho con cái. Tuy nhiên, có kỳ vọng không có nghĩa là sẽ đặt niềm tin hoàn toàn. Cha của Lang Lang thuộc kiểu tin tưởng tuyệt đối vào tài năng thiên bẩm của con trai. Ông không ngần ngại lớn tiếng khẳng định với bất cứ ai, dù địa vị giàu nghèo hay cao thấp thế nào, rằng Lang Lang là một Thiên Tài, và chắc chắn anh sẽ trở thành Số Một. Nếu ai đấy tỏ ý nghi hoặc điều này, khả năng cao là ông Lang Quốc Nhiệm ăn thua đủ với họ.
Người cha quyết tâm nhất thế giới đó, sau này như Lang Lang từng nhìn nhận lại, chính là người đồng hành tin cậy và vững chãi nhất của anh trên hành trình âm nhạc ngàn dặm. Có một thói quen đã trở thành một loại nghi lễ không tên trong mỗi cuộc thi piano mà anh tham gia. Ngay trước khi Lang Lang bước lên khán đài biểu diễn, cha sẽ vỗ vào lưng anh để truyền cho anh sự tự tin. Có lẽ, nói đúng hơn đó là truyền niềm tin tưởng tuyệt đối của một người cha dành cho con trai của mình.
Từ một miền quê nghèo, Lang Lang đã đi hành trình hàng ngàn dặm để đặt chân tới các thánh đường âm nhạc khắp thế giới. Trên chặng đường dài không ít nước mắt đó, luôn có cặp dấu chân lớn và nhỏ kề bên nhau, ấy là dấu chân của người cha và con trai mình…